22 Lý Tự Trọng, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng.
itvc.haiphong@itvc-global.com
Năm 2005, Tổng Công ty May 10 được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước, hiện nay, Tổng Công ty là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Sản phẩm của Tổng Công ty chủ yếu được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Nhật, EU... Năm 2003, Tổng Công ty được cấp chứng nhận đạt chuẩn môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000. Trong những năm qua, Tổng Công ty luôn xác định rõ môi trường là vấn đề toàn cầu, đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, muốn khẳng định được uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp thì công tác BVMT cần phải được quan tâm ngay từ đầu.
Trao đổi về vấn đề này, nhóm phóng viên đã được Bà Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10: Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ:
Thưa bà, được biết từ năm 2003, Tổng Công ty May 10 đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường ISO 14000, xin bà cho biết, những điều kiện cần và đủ để Tổng Công ty được cấp chứng nhận?
Trong quá trình hội nhập WTO, Tổng Công ty May 10 nhận thấy tiêu chuẩn ISO 14000 sẽ là tấm thông hành xanh vào thị trường thế giới, từ đó quyết tâm làm và thực hiện nghiêm túc. Để áp dụng thành công tiêu chuẩn ISO 14000, Tổng Công ty đã phải đầu tư cả về trí tuệ, kinh phí lẫn thời gian. Thời gian tối thiểu để tiến hành áp dụng các tiêu chuẩn bắt buộc của ISO 14000 khoảng từ 8 - 10 tháng và chi phí để áp dụng tiêu chuẩn ISO 14000 lên đến hàng trăm triệu đồng. Tổng Công ty đã xác định bỏ ra hàng trăm triệu đồng áp dụng tiêu chuẩn ISO 14000 là kinh phí đầu tư chứ không phải kinh phí mất đi.
Những điều kiện cần và đủ khi xây dựng, áp dụng và cấp chứng nhận phù hợp hệ thống quản lý môi trường, có 4 điều kiện:
Thứ nhất là định hướng và quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. Trong đó lãnh đạo doanh nghiệp phải hiểu và nắm vững nội dung cơ bản của bộ tiêu chuẩn ISO 14000; Xác định yêu cầu của tiêu chuẩn và mức độ áp dụng của doanh nghiệp; Quyết tâm và chỉ đạo chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện ISO 14000; Hoạch định chính sách mục tiêu và cam kết về môi trường; Cung cấp đủ nguồn lực cần thiết để đào tạo và triển khai (bao gồm nhân lực và vật lực).
Thứ hai là các thành viên của doanh nghiệp hiểu được ý nghĩa, mục đích của hệ thống quản lý môi trường; Ý thức được trách nhiệm của mình trong công việc được giao; Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định đối với từng công việc cụ thể. Đây là yếu tố quyết định.
Thứ ba làtrình độ về công nghệ, thiết bị có khả năng kiểm soát các thông số ảnh hưởng đến môi trường đáp ứng các quy định của nhà nước, ngành nghề và yêu cầu khác...
Thứ tư là chuyên gia tư vấn có khả năng, kinh nghiệm trong việc triển khai tư vấn áp dụng ISO 14000; và có lực lượng chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp, có năng lực và kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực về môi trường.
Trong quá trình áp dụng thực hiện hệ thống quản lý môi trường, Tổng Công ty May 10 đã trải qua 2 lần đánh giá chứng nhận, lần đầu vào năm 2003 do tổ chức BVQI đánh giá chứng nhận, lần 2 vào năm 2008 do tổ chức QMS đánh giá chứng nhận.
Xin bà cho biết về những giải pháp cụ thể trong công tác BVMT mà Tổng Công ty đã thực hiện trong thời gian qua?
Chúng tôi đã đưa ra rất nhiều biện pháp để thực hiện vấn đề này. Cụ thể, năm 2007, chúng tôi đã thành lập Ban quản lý môi trường Tổng Công ty có nhiệm vụ tư vấn cho Tổng Giám đốc phối hợp các hoạt động trong quản lý môi trường, xây dựng các quy chế quản lý; Chương trình hành động, kế hoạch, các biện pháp BVMT và cải thiện, phòng ngừa các rủi ro về môi trường.
Đối với việc thực hiện và giám sát môi trường, Tổng Công ty đã chấp hành tốt và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về BVMT như Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Giấy phép xả thải vào nguồn nước; Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom và xử lý chất thải thông thường cũng như chất thải nguy hại đảm bảo cho người lao động có môi trường làm việc tốt nhất; Phối hợp với các đơn vị chức năng có thẩm quyền thực hiện giám sát môi trường định kỳ 02 lần/năm và các kết quả đo kiểm đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt, thực hiện chủ trương tiết kiệm năng lượng, Tổng Công ty đã đầu tư công nghệ, thiết bị mới giảm thiểu ô nhiễm như thay bóng đèn truyền thống bằng bóng đèn tiết kiệm năng lượng; lắp đặt quạt hơi nước thay cho điều hòa không khí...
Bên cạnh đó, biện pháp mà chúng tôi luôn chú trọng và muốn nói ở đây đó là phải nhận thức đầy đủ vì đây là vấn đề cộng đồng nên phải “truyền” được nhận thức này cho nhiều người cùng hiểu, hiểu đúng, làm đúng và chúng tôi cũng đã có những thành công nhất định. Tổng công ty May 10 có gần 1 vạn lao động nằm trên nhiều tỉnh/thành, nên chúng tôi nhận thức được rằng, nếu số lao động này “thấu hiểu” thì ít nhất trong cộng đồng đã có ít nhất 3 vạn người hiểu. Do đó, trong quá trình tuyển lao động, chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền BVMT tới người lao động để người lao động có ý thức trách nhiệm trong vấn đề này.
Mặt khác, chính thực tiễn và yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu cho các thị trường có yêu cầu trách nhiệm về xã hội và môi trường cao (Mỹ, Nhật, EU...) đòi hỏi người đứng đầu Tổng Công ty và các Công ty con có những bước chuẩn bị cả về nhận thức và hành động trong công tác môi trường. Trong một số nhà máy, khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chúng tôi thấy những thảm cỏ rất đẹp nhưng chúng tôi thấy tiếc những diện tích đó nên chúng tôi đã làm một cách “rất Việt Nam” đó là trồng rau xanh phục vụ thêm vào bữa ăn cho công nhân. Cách làm này đã được nhân rộng trong Tổng Công ty như Xí nghiệp Veston Hải Phòng, Xí nghiệp Hưng Hà, Công ty Thiệu Đô... và được các doanh nghiệp bạn học tập.
Được biết, sản phẩm chủ yếu của Công ty được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Nhật, EU... vậy Tổng Công ty đã đề ra những chiến lược phát triển nào để vượt qua các rào cản, trong đó có các rào cản về môi trường đối với sản phẩm hàng dệt may?
“Rào cản” là cụm từ được nhắc đến nhiều trong hội nhập kinh tế quốc tế. Về bản chất, rào cản là điều cần thiết và cũng là tất yếu trong hoạt động kinh tế, chúng tôi coi các rào cản là mục tiêu để phấn đấu và “hoàn thiện mình”. Trước đây, khi Việt Nam chưa gia nhập WTO thì hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường EU, Mỹ, Nhật... sẽ gặp các rào cản thương mại chủ yếu là thuế quan, sau khi gia nhập WTO thì để bảo hộ một số ngành hàng và người tiêu dùng của nước nhập khẩu họ/ta đưa ra một số hàng rào kỹ thuật (tạm gọi rào cản phi thuế quan) như: Quy tắc ứng xử trong kinh doanh của từng khách hàng (COC); Nguồn gốc xuất xứ (COO); Trách nhiệm xã hội (CSR); An ninh xuất khẩu vào thị trường Mỹ (C-TPAT); Môi trường (EMS).
Chạy theo để vượt qua rào cản đó không phải là cách làm của chúng tôi, muốn làm việc gì đó thì phải có sự chuẩn bị nghiên cứu thị trường và đối tác. Cách vượt qua không có nghĩa chỉ có một mình vượt qua, vượt qua ở đây còn mang tính ngành nghề/quốc gia/khối quốc gia (cộng đồng). Làm được vấn đề này thì doanh nghiệp cần phải hiểu biết đầy đủ thị trường và đối tác, bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách can thiệp điều tiết chiến lược. Để sản phẩm của mình “vào được” ngoài tuân thủ thì phải biết hợp lý hóa chuỗi cung ứng như làm việc với các nhà cung cấp lớn (cả nhập khẩu và doanh nghiệp dệt nội địa) đạt được các tiêu chuẩn của Mỹ, EU, Nhật... vì sản phẩm may phụ thuộc nhiều vào chất lượng đạt chuẩn của nguyên liệu đầu vào. Đồng thời cũng phải biết “tấn công” qua các hoạt động tham mưu/đề xuất để Nhà nước/ngành cũng đưa ra những rào cản của Việt Nam để thương lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, các chất độc hại không được dùng trong sản xuất hàng may mặc theo một số quy định của một số quốc gia, vùng lãnh thổ như quy định REACH của EU.
Xin bà cho biết, những định hướng phát triển nói chung và đặc biệt là công tác BVMT nói riêng của Tổng Công ty trong thời gian tới?
- Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì và phát triển định hướng chiến lược, trong đó gắn với môi trường, xác định rõ đây là “thẻ thông hành” lâu dài và trách nhiệm với cộng đồng.
- Khi thực hiện các dự án đầu tư chú trọng tư vấn (chuyên sâu) chiến lược về môi trường đảm bảo ổn định lâu dài và hội nhập toàn diện.
- Hướng tới phát triển sản phẩm, bao bì sản phẩm thân thiện với môi trường, chú trọng đánh giá các nhà cung cấp đầu vào.
- Đầu tư bổ sung tài chính, nguồn lực tương xứng cho công tác môi trường để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, bền vững.