22 Lý Tự Trọng, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng.

itvc.haiphong@itvc-global.com

Môi trường hưởng lợi từ việc phát triển công nghiệp xanh

Ngày 16-10-2015 Lượt xem 1670

Biến đổi khí hậu hiện đã trở thành mối de dọa gây ra nhiều thiên tai bão, lũ, hạn hán… Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, vì thế sản xuất công nghiệp xanh là mục tiêu của cả nước. Tại Đồng Nai, sản xuất công nghiệp xanh đã được tỉnh triển khai và thực hiện.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 18 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Khoảng gần 3 năm trở lại đây, thu hút đầu tư của tỉnh có chọn lọc, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đều bị từ chối và tỉnh ưu tiên mời gọi các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện với môi trường để hướng đến nền công nghiệp xanh, sạch.

Bắt đầu từ sản xuất sạch hơn

Trong sản xuất công nghiệp xanh, sản xuất sạch hơn chiếm vai trò rất quan trọng, vì đây là giải pháp giúp các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ hoạt động một cách hiệu quả nhất, cạnh tranh nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất đảm bảo sức khỏe cho người lao động, cộng đồng xung quanh nhà máy và môi trường. Sản xuất sạch hơn còn giúp đảm bảo trữ lượng tài nguyên, giảm thiểu các nguyên liệu độc hại, giảm chất thải và phát thải.

Trong quá trình Việt Nam tham gia hội nhập sâu với thế giới, thì sản xuất công nghiệp xanh là một yêu cầu bắt buộc phải thực hiện. Thực tế từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia sản xuất sạch hơn cho thấy ngoài giảm được ô nhiễm môi trường còn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, chi phí xử lý và thải bỏ chất thải và giảm trách nhiệm pháp lý. Trong một số ngành sản xuất sạch hơn đem lại kết quả về kinh tế, môi trường rất lớn. Cụ thể như ngành chế biến kim loại, các mảnh thép, nhôm thừa được thu hồi tái chế, dầu cũng được thu hồi lại và tái sử dụng làm nhiên liệu. Trong ngành giấy, các chất thải có thể tận dụng cho ra các sản phẩm khác tăng lợi nhuận. Ngành chế biến thực phẩm, phế thải được thu hồi và dùng làm thức ăn chăn nuôi, nước thải sau khi xử lý sẽ phát ra khí metan dùng cho việc phát điện và nhiệt…

Theo Sở Công thương, từ năm 2011 được sự hỗ trợ của Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp của Bộ Công thương, Đồng Nai đã triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2015 và thành lập Phòng Sản xuất sạch hơn trực thuộc Trung tâm Tư vấn công nghiệp. Bên cạnh công tác tuyên truyền, sở này hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Các công ty được hỗ trợ thực hiện thí điểm chương trình sản xuất sạch hơn đều đem lại hiệu quả cao, như: Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, Công ty cổ phần cơ khí Đồng Nai, Công ty cổ phần điện cơ Đồng Nai, Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa (TP. Biên Hòa)…

Ở 5 doanh nghiệp là: Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa tiềm năng tiết kiệm năng lượng tiêu thụ gần 12%, chi phí năng lượng hơn 9%; Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang tiềm năng tiết kiệm năng lượng tiêu thụ là 16,5%, chi phí từ tiết kiệm năng lượng hơn 17%; Công ty TNHH Meiwa Việt Nam tiết kiệm 6,5% năng lượng tiêu thụ, giảm chi phí về năng lượng hơn 15%; Công ty TNHH xây dựng và trang trí nội thất số 7 tiết kiệm năng lượng tiêu thụ 17%, giảm gần 27% chi phí năng lượng; Công ty TNHH Phi Dung tiết kiệm 32% năng lượng, giảm 32% chi phí năng lượng.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm

Trong sản xuất công nghiệp xanh thì sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được các doanh nghiệp rất coi trọng vì góp phần giảm giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường và làm chậm lại quá trình của biến đổi khí hậu. Tiết kiệm điện trong sản xuất là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai. Vì tiết kiệm điện đem lại lợi kép cho doanh nghiệp là giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm được ô nhiễm.

Ông Chu Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tư vấn công nghiệp (Sở Công thương), cho biết: “Hàng năm, trung tâm đều có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện kiểm toán năng lượng, lập các báo cáo nghiên cứu khả thi và các báo cáo nghiên cứu đầu tư để thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình này thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, song tiềm năng tiết kiệm năng lượng dao động từ 6,5-32% năng lượng tiêu thụ nên chi phí cho nhiên liệu giảm được 9,3-32%”. Cũng theo ông Hiếu, hiệu quả tiết kiệm chi phí năng lượng lớn nhất tập trung ở các giải pháp cải tạo hệ thống nhiệt và tận dụng giờ thấp điểm, tránh giờ cao điểm.

Những doanh nghiệp trên áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tổng điện tiết kiệm được trên 2,8 triệu kWh/năm, 312 tấn dầu/năm, hàng trăm tấn gas và giảm gần 2.800 tấn CO2 phát thải ra môi trường. Các chi phí đầu tư cho những giải pháp tiết kiệm năng lượng của 5 doanh nghiệp trên khoảng 10,7 tỷ đồng, nhưng số tiền tiết kiệm được từ giảm sử dụng điện, gas, dầu là gần 14 tỷ đồng/năm nên thời gian hoàn vốn của các doanh nghiệp chỉ hơn 9 tháng.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn và vừa đều chú trọng đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng sử dụng, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất, giảm lao động, tiết kiệm năng lượng và giảm các xử lý ô nhiễm. Còn  doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa chú ý nhiều đến những giải pháp tiết kiệm năng lượng, đầu tư máy móc mới hiện đại vì năng lực về tài chính có hạn. Nhưng tham gia hội nhập, các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, hàng hóa có thể xuất khẩu qua nhiều nước thì đảm bảo về môi trường là một trong những tiêu chí không thể thiếu.

Nguồn sưu tầm

Bài viết liên quan
Gọi ngay: 0914.564.579
SMS: 0914.564.579 Chat Zalo Chat qua Messenger